Các dàn âm thanh hiện nay thường lựa chọn các loại củ loa rời có kích cỡ, công suất và chất lượng theo nhu cầu sau đó về phối ghép với các loại thùng loa để sở hữu loa theo ý muốn. Bài viết này sẽ chủ yếu sẽ giới thiệu về các thành phần cấu tạo của củ loa bass rời được nhiều người chơi audio tìm mua, cũng như thực trạng về các loại loa bass rời trên thị trường hiện nay.
Đối với những ai chưa từng tìm hiểu về lĩnh vực audio, khi nhìn nhận và đánh giá các loại loa mà họ từng thấy thường suy nghĩ rằng cấu tạo của loa thật đơn giản, chỉ một lớp vỏ bên ngoài, với một cục nam châm bự bên trong là đã có thể phát ra âm thanh. Tuy nhiên họ lại không biết rằng để có thể phát ra được âm thanh hay, nghe "êm tai" thì cần có rất nhiều bộ phận phối hợp với nhau trong một chiếc loa đó, và một trong những thành phần quan trọng nhất là củ loa (driver) phía trong - được ví như là trái tim của loa.
Qua bài viết này, các bạn sẽ hiểu rõ hơn từng thành phần cấu tạo nên một củ loa rời hoàn chỉnh, chất lượng cao phải như thế nào, cũng như hiểu rõ hơn về loa bass rời để có sự lựa chọn mua loa rời hiệu quả cho dàn âm thanh của mình.
1. Loa rời và các thành phần cấu tạo
Các bộ phận cấu thành nên một củ loa rời hoàn chỉnh sẽ bao gồm: khung sườn, viền nhún, màng nhện, nam châm, cuộn dây đồng, dây quấn và cuối cùng là màng loa.
Các thành phần cấu tạo nên một củ loa rời hoàn chỉnh
_ Khung sườn (Frame): Chức năng chính của bộ phận này đó là gắn các thành phần lại với nhau. Chất liệu làm khung sườn cho loa rời rất đa dạng, cao cấp thì có khung sườn làm bằng nhôm, phổ biến thì làm bằng sắt, đôi khi còn được làm bằng nhựa để giảm giá thành của loa. Khung sườn của loa rời là bộ phận để các nhà sản xuất loa khẳng định giá trị, đẳng cấp của loa của họ. Nó không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng âm thanh của loa tuy nhiên nên tránh các loại khung sườn quá lớn gây phản xạ trực tiếp lại màng loa.